ATK – Thủ đô gió ngàn chiến khu Việt Bắc
Chiến khu Việt Bắc xưa, nay thuộc sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. Trong đó, thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn trọng tâm ở hai tỉnh: Tỉnh Tuyên Quang năm 1944 – 1945, nơi có “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”, là nơi sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp, nên tháng 8-1945, khi rời Tân Trào, Tuyên Quang về Hà Nội, Người đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí khác ở lại sang Thái Nguyên xây dựng thủ đô kháng chiến, căn cứ địa cách mạng nằm trung tâm ở huyện Định Hóa.
Đúng như dự định, ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt tại ATK (an toàn khu) Định Hóa. Lúc đầu Người ở nhà dân, sau đó ở và làm việc tại các nơi : Lán trên đồi Khau Tý; lán Nà Đinh; lán Tỉn Keo cạnh con suối Khuôn Tát…
Ở xung quanh, gần Bác có nhiều cơ quan của Trung ương Đảng và Chính phủ như: Lán làm việc và nơi ở của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh ở Nà Mòn, Phụng Hiển; nơi làm việc của cơ quan Tổng tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Bảo Biên (xã Bảo Linh)…
Các quyết sách lớn của Đảng và Chính phủ suốt 9 năm đều được quyết định tại ATK Định Hóa, như hạ quyết tâm tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc mùa đông năm 1947, mở chiến dịch biên giới năm 1950 và các chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Sầm Nưa, chiến dịch Điện Biên Phủ…
Cách mạng, trăng và thơ luôn đồng hành suốt cuộc đời Bác. Ở đây, ở thủ đô gió ngàn Định Hóa, trên đồi cao, giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ, giữa trăng và cây, suối và hoa, giữa bộn bề công việc, tâm hồn thơ của Người rung động và vang lên đầy nỗi niềm riêng và chung :
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Ngày ấy, dân tộc Việt Nam đều hướng về Việt Bắc, như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài Việt Bắc:
“… Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền…”